Vườn ươm những mầm xanh

Bệnh lao dấu hiệu nhận biết và cách đề phòng

Bệnh lao dấu hiệu nhận biết và cách đề phòng

 

SỞ Y TẾ HƯNG YÊN

TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN VĂN GIANG

 

 

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

 

Văn Giang, ngày 19 tháng 03 năm 2024

BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ PHÒNG CHỐNG BỆNH LAO

 

Bệnh Lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80 – 85%) và là nguồn lây chính cho người xung quanh. Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là quốc gia thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao, lao kháng thuốc cao trên thế giới. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 174.000 bệnh nhân lao và nếu không được chữa trị, mỗi người mắc lao sẽ lây nhiễm cho trung bình từ 10 – 15 người khác.

 

 

Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp (người lành hít phải các bọt có chứa vi khuẩn lao do người bệnh ho khạc bắn ra). Bệnh không di truyền. Bệnh lao có thể phòng và chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và chữa đúng cách.

Ngày Thế giới phòng chống lao (24/03) hàng năm là dịp nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với bệnh lao, đẩy mạnh nỗ lực chấm dứt dịch bệnh lao trên toàn cầu. Mọi người dân cần nắm được các dấu hiệu của bệnh và cách phòng lao như sau:

* Những dấu hiệu của bệnh lao phổi:

Ho khạc kéo dài trên 2 tuần là triệu chứng hay gặp nhất của bệnh lao phổi, ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng khác:

– Ho ra máu;

– Sốt nhẹ về chiều, đổ mồ hôi ban đêm;

– Đau tức ngực; đôi khi khó thở;

– Người mệt mỏi, ăn uống kém, gầy sút cân.

* Phòng lây nhiễm bệnh lao cho cộng:

– Trẻ em tháng đầu sau sinh cần được tiêm phòng vắc-xin BCG nhằm giúp ngăn ngừa mắc bệnh Lao;

– Mọi người khi ho kéo dài hơn 02 tuần cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp X.quang phổi để phát hiện bệnh lao;

– Bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Bên cạnh đó, bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 02 tháng đầu điều trị. Cần phơi chăn, chiếu, vật dụng của bệnh nhân lao ra nắng mỗi ngày;

– Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý;

- Phát hiện sớm người mắc bệnh Lao điều trị kịp thời và đúng phác đồ để không còn khả năng lây bệnh cho người khác.

Vì sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng, mọi tổ chức và mỗi cá nhân hãy tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống bệnh Lao. Tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho cộng đồng biết cách phát hiện và phòng chống bệnh Lao có hiệu quả.

* Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh bị lao phổi:

Cần chú ý đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân để thúc đẩy quá trình hồi phục, nâng cao tổng trạng cho người bệnh. Bệnh nhân lao thường ăn ít, ăn không ngon nên cần nấu ăn hợp khẩu vị; động viên người bệnh ăn nhiều. Cần có chế độ ăn uống riêng cho người bệnh lao phổi.

- Năng lượng: Nhu cầu năng lượng của bệnh nhân lao tăng lên do mắc bệnh. Thường năng lượng từ khẩu phần ăn tăng từ 20-30% để duy trì trọng lượng cơ thể.

- Protein: Protein rất quan trọng để ngăn ngừa sự lãng phí năng lượng dự trữ trong cơ thể

- Các vi chất dinh dưỡng: Bổ sung các loại vitamin và khoáng chất, vượt 50 – 150% lượng thức ăn khuyến nghị hàng ngày của người bình thường

- Cho người bệnh ăn những thực phẩm giàu đạm, calo, rau quả; tăng cường các loại thức uống, nước ép.

- Trong khi điều trị bằng thuốc, người bệnh lao phổi hay bị phản ứng phụ là chán ăn. Vì vậy nhiều bữa ăn nhỏ đa dạng các món là cần thiết, ưu tiên những món bệnh nhân thích.

* Lưu ý khi chăm sóc người bệnh lao phổi tại nhà:

Bệnh lao phổi là một bệnh rất dễ lây lan qua không khí, đặc biệt ở trong phòng kín hoặc nhà ở chật hẹp. Chính vì vậy khi chăm sóc bệnh nhân tại nhà cần phải chú ý:

- Cách ly bệnh nhân, hạn chế tiếp xúc với những thành viên khác trong gia đình và cộng đồng.

- Người bệnh luôn mang khẩu trang che mũi, miệng khi phải giao tiếp với người khác.

- Khi ho hoặc hắt hơi cần phải che miệng, khạc đờm đúng nơi quy định và được hủy bệnh phẩm theo đúng phương pháp (ví dụ như đốt).

- Vì đang mang mầm bệnh, tốt nhất là không tiếp xúc với những người có hệ miễn dịch kém như trẻ em, người già, bệnh nhân HIV/AIDS, người bị các bệnh đái tháo đường, suy thận,...

- Đặt người bệnh ở tư thế thoải mái nhất để đường hô hấp được lưu thông dễ dàng.

- Căn dặn bệnh nhân nghỉ ngơi tại giường và tránh di chuyển hoặc vận động nhiều.

- Luôn sẵn sàng hút đờm ở miệng hoặc sâu trong đường thở để đảm bảo khí được lưu thông tốt.

- Chuẩn bị sẵn ca nhổ ở nơi dễ lấy; có vạch đo số lượng máu thoát ra của bệnh nhân

- Nghỉ ngơi: Ngủ đủ mang lại hiệu quả nghỉ ngơi tốt nhất. Thời gian ngủ lý tưởng của bệnh nhân lao phổi là trưa ngủ 1-2 tiếng, tối ngủ 7-8 tiếng.

- Cần phải cho bệnh nhân tắm giặt và vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thay quần áo mỗi ngày. Có thể hỗ trợ nếu người bệnh không làm được nhưng cần đeo khẩu trang cẩn thận để tránh lây nhiễm.

- Khi đã vào giai đoạn ổn định, có thể thực hiện những hoạt động nhẹ nhàng như tập thể dục, đọc sách, đi dạo nhưng tránh nơi đông người.

Nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào nghi ngờ mắc bệnh lao cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện sớm, để tránh lây bệnh cho người thân và cộng đồng./.

Chú thích: Bài tuyên truyền này được cung cấp bởi Trạm Y tế xã Xuân Quan


Danh mục: Tin tức - Sự kiện